Nữ trang Ý tại Việt Nam, nhiều đồ Tàu

, lượt xem: 2391

Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM, không có doanh nghiệp nào ở TPHCM nhập nữ trang từ Ý cả, việc nhập nữ trang thành phẩm qua đường chính ngạch cũng không doanh nghiệp nào làm, vì sau khi cộng đủ loại thuế, giá bán sẽ đội lên rất cao, không bán được.

Ông Dưng thừa nhận trên thị trường hiện nay người bán vẫn thường quảng cáo là nữ trang Ý, kỳ thực nó được nhập lậu về qua đường tiểu ngạch từ các nước lân cận, mà chủ yếu là Trung Quốc.

trang sức, nữ trang, hàng tàu
Mô tả

Còn theo nguyên trưởng phòng nữ trang của một công ty vàng bạc đá quý lớn tại TPHCM, nữ trang Ý là nữ trang làm bằng công nghệ Ý, sản xuất ngay tại Trung Quốc và đưa về Việt Nam tiêu thụ. Cái khác biệt của nữ trang Ý được bán ngoài thị trường với sản phẩm trong nước là các sản phẩm nhập khẩu này có mẫu mã, kiểu dáng đẹp hơn, độ sáng bóng cao hơn, chất lượng vàng đảm bảo. Tuy vậy, giá lại rẻ hơn nữ trang của các công ty lớn trong nước.

“Kỳ thực, cũng là công nghệ Ý, nhưng do kinh nghiệm chế tác tốt hơn nên thậm chí loại nữ trang này còn đẹp hơn hàng của các công ty mạnh về nữ trang trong nước”, bà này nói thêm. Và các mặt hàng chiếm ưu thế là dây chuyền, lắc, nhẫn.

Bà cho rằng trên thị trường hiện có 2 loại nữ trang nhập, một là loại sản xuất hàng loạt, mẫu mã chất lượng kém hơn hàng trong nước, được bán với giá thấp; còn lại là loại được quảng cáo là nữ trang Ý bán cao hơn giá các mặt hàng đưa ra từ công ty khoảng 15%.

Bà cũng cho biết đã có vài thương nhân đến chào hàng, còn mời bà sang Trung Quốc, Hồng Kông xem nhà máy, rồi chọn hàng hóa, mẫu mã, sau đó hàng sẽ được giao tận nơi. Bà cho rằng nếu tính hết chi phí sản xuất thì giá thành của công ty bà còn cao hơn cả giá bán thành phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài nói trên.

Nếu không muốn đi lại, họ sẽ cho coi mẫu mã tại đây và nếu có nhu cầu sẽ cung cấp ngay cho doanh nghiệp.

Theo một chủ tiệm vàng tại khu vực chợ Bến Thành, hiện cửa hàng ông bán đủ cả hai loại nữ trang đó, và tiêu thụ tốt hơn cả hàng trong nước. Đồng thời người bán cũng có lãi nhiều hơn vì tính ra giá nữ trang Ý thấp hơn giá của các công ty bán ra, nhưng đẹp hơn nên các tiệm bán với giá cao hơn.

Ông Dưng cũng cho rằng, một phần vì không cạnh tranh được với nữ trang nhập, nên doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp khó. Hiện TPHCM chỉ có 70 doanh nghiệp xin cấp phép sản xuất nữ trang, thay vì lên đến vài ngàn đơn vị như trước đây.

(Theo  TBKTSG)

 

Bình luận